Quê Mẹ - Một Lần Đi Là Vĩnh Viễn Chia Ly
Written by Lê Thị Minh Vân
Sau bữa cơm gia đình tối ngày 29 tháng 4 năm 1975, Ba tôi họp gia đình, như Ba vẫn thường làm mỗi lần có chuyện đại sự, nhưng tối hôm đó là một buổi họp gia đình tôi không bao giờ quên cho đến cuối cuộc đời. Giọng Ba tôi run run, như muốn khóc, những giọt nước mắt chảy ngược vào lòng - "Ngày mai gia đình mình phải đi tỵ nạn, Ba chưa biết mình sẽ đi đâu và về đâu, nhưng Ba biết rằng mình không thể nào sống dưới chế độ cộng sản, và nếu sự ra đi có nguy hiểm đến tính mạng, thì ít nhất, cả gia đình mình sẽ cùng chết chung với nhau". Tôi còn nhớ cái im lặng sững sờ trong lòng tôi và chắc trong lòng của những đứa em tôi, dù chúng còn thơ dại, chưa hiểu biết gì nhiều ngoài chuyện cả tháng nay, qua máy truyền hình và tin tức mỗi đêm, chiến tranh đã dần đi vào thành phố và sự yên bình của Sài Gòn đang dần bất ổn. Phi trường Tân Sơn Nhất đã bị pháo kích. Ba tôi không còn một hy vọng gì cùng gia đình trốn ra khỏi VN bằng đường bay như một số bạn của Ba đã hứa trước đó. Chúng tôi gồm 9 chị em với Ba và bà Ngoại. Má tôi thì đã mất sớm, khi Má chỉ mới tròn 39 tuổi. Ở tuổi xanh non như chiếc lá mới, nhưng là chị cả, tôi đã phải già trước tuổi từ khi Má tôi qua đời 2 năm trước.
Sáng sớm ngày 30 tháng 4, chúng tôi đã thu xếp xong hành lý. Mỗi người được mang theo đúng một cái giỏ nhỏ, đựng thức ăn, một hoặc hai bộ đồ và những gì mình quý nhất. Đó là lời Ba tôi đã dặn. Hành lý của tôi gồm một số hình ảnh của gia đình, một cuốn nhật ký với vài cây viết, một cái radio cassette nhỏ với một vài băng nhạc vì tật ghiền nghe nhạc của tôi, cùng 2 cuốn tự điển Anh Việt và Pháp Việt. Tôi mặc cái quần jean trắng, áo xanh bông. Nhìn tôi, Ba tôi giận hỏi "Mày nghĩ là mày đi chơi ở đâu vậy, con? làm ơn hỏi Bà Ngoại và liệu mà mặc đồ của bà Ngoại, cột tóc lên, bỏ đeo cái kiến cận và dẹp 2 cuốn tự điển vô dụng đó cho lúc này". Đó là câu nói chót mà Ba tôi đã nói sáng hôm đó với tôi. Chỉ trong thoáng chốc, cô sinh viên trẻ hồn nhiên vui tươi bỗng trở thành một cô gái "hương đồng cỏ nội" trong bộ áo bà ba xám buồn đơn sơ của bà Ngoại và mấy đứa em gái của tôi cũng cùng mặc chung loại "đồng phục" đó của Ngoại.
Tất cả chúng tôi dồn hết vào chiếc xe hơi kiểu gia đình chật cứng, chỉ đủ sức chứa người mà không còn một chỗ trống nào cho đồ vật trừ một số lương khô để ăn dọc đường. Tôi ngồi phía trước với đứa em áp út, gần 7 tuổi. Thằng út 2 tuổi thì nằm ngủ ngoan hiền trong vòng tay của bà Ngoại tôi, như cuộc đời và những hoạn nạn chung quanh không thể đụng tới tuổi thơ em thiên thần. Thỉnh thoảng tôi sợ sệt nhìn Ba tôi, nhưng người vẫn buồn bã im lặng nhìn chăm chú về phía trước, tay lái không ngừng xoay chuyển. Thường ngày, Ba tôi hay lái xe nhanh, nhưng hôm nay dù có muốn cách mấy, Ba tôi cũng không thể chạy nhanh được trên những con đường đầy người và xe cộ. Ba tôi cứ phải thắng gấp, và những lần thắng gấp như vậy làm cho mọi người trong xe đụng đầu vào nhau nôn nao ruột như muốn nôn mửa. Tôi bắt đầu chóng mặt, dây thần kinh trên hai thái dương giật đều đặn như tiếng nước đổ của thác đập vào ghềnh đá, như những cơn sóng dữ đập vào mạn thuyền, cho thần trí tôi thêm mỏi mệt trong sự lo âu sẵn có. Không khí nặng nề đè lên tim óc mọi người, không ai buồn nói một câu. Trái tim trong lòng ngực tôi đã đánh lên nhịp cao nhất, liên hồi, như tiếng trống tế thần của người dân Phi Châu trong những kỳ lễ lớn. Tôi muốn khóc, nhưng không khóc được, cảm xúc tôi tê cứng. Tôi cố định tâm, cố gắng sắp xếp những chuyện quan trọng phải làm, những hiểm nghèo phải đối phó, những gì đã bỏ quên, những khuôn mặt họ hàng, ...nhưng tất cả đã đảo lộn, mê sảng, rối bời và tôi không còn sức để suy nghĩ.
Đôi mắt tôi mở lớn, như muốn chụp lại mọi điều sáng nay. Những con đường đầy ắp người và xe cộ đổ ra từng đoàn hỗn độn, từ mọi góc phía của thành phố, hớt hãi như những con vật tội nghiệp trong cơn thịnh nộ của ngọn lửa rừng, cháy lan trong cơn gió bảo. Tôi rùng mình lần nữa, cảm giác cái chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong sự hỗn độn khủng khiếp này làm tôi chột dạ. Những tiếng súng chỉ thiên không ngừng. Màu áo lính và màu áo thường dân quện vào nhau như một rừng giấy nát, nhốn nháo tạp nhạp, khổ sở và bi thảm. Ai cũng chạy loạn, tránh nổi chết. Ai cũng cố tìm cho mình một lối thoát. Tôi nhìn thấy những khuôn mặt người hốc hác đầy sợ sệt, tóc tai rũ rượi già nua. Tiếng khóc la của trẻ nhỏ. Khói xăng cùng bụi đường. Tiếng chửi thề, lời nguyền rủa, tiếng người la hét, đánh đập và đạp dẫm lên nhau. Tất cả như con vụ mất thăng bằng không còn tự chủ được, rơi lăn vào nỗi mất mát đầy tuyệt vọng.
Từ Lê Quang Định ra Phạm Thế Hiển bằng con đường ngắn nhất cũng mất hơn ba tiếng đồng hồ. Bình thường đã chắc gì mười lăm phút. Ba tôi đậu xe bên đường, cùng theo sự phân vân và đợi chờ như những người khác, không biết chắc phải đi về đâu - tiếp tục lên đường đi về hướng biển hay đành bỏ cuộc tại nơi này. Cái radio cassette tape tôi mang theo đã được mở lên liên tục vì Ba tôi muốn nghe tin tức và tình hình trong đô thị sáng hôm đó.
Khoảng gần mười một giờ sáng. Đài phát thanh Sài Gòn cho dạo một đoạn nhạc - bài "Giọt Mưa Thu" của nhạc sĩ Đặng Thế Phong. Bản nhạc bình thường đã thê lương, buồn bã và uổng tử, bây giờ gia đình tôi cùng ngồi nghe bổng khóc sụt sùi, như đang đưa đám người nào thân yêu nhất. Sài Gòn, miền Nam, bao nhiêu sinh linh, quê mẹ và bao nhiêu thứ nữa, bầu trời tự do, công lý và bác ái. Tất cả đang bị cơn trốt cuốn đi, cuốn trôi những kỳ vọng yên bình trong lòng mỗi người. Một chập sau, có lệnh của ông Dương Văn Minh buông súng đầu hàng vô điều kiện như một nhát dao của tên đồ tể chém thẳng vào trái tim Việt Nam đang giãy chết.
Đường Phạm Thế Hiển bị ngăn lại bởi những toán lính Biệt Động Quân, Cảnh Sát Dã Chiến và Nhân Dân Tự Vệ đứng quanh từng vòng kẽm gai tua tủa kéo sát vào tận lề đường. Xóm Củi vẫn đánh nhau chưa tan, dù lời đầu hàng của ông Minh đã kịp bay tới hai bên thù địch. Đạn pháo kích nổ xé không gian, xác người nằm chết cháy cong queo bên vệ đường như một đống đồ tạp nhạp sau khi đốt xong. Bên kia vệ đường, một mớ thịt người rửa nát trên vũng máu đen đặc quánh. Tôi rợn người và run sợ, liên tưởng đến những lần xem tin thời sự trên màn ảnh của máy truyền hình hay trên báo chí, những tấm hình trắng đen đầy xác chết từ những trận địa, từ những người dân vô tội đã bị giết trong Tết Mậu Thân, mà hôm nay tôi đã phải chứng kiến bằng mắt thấy tai nghe, đang diễn ra ngay trước mặt...
Tiếng đạn rơi không ngừng, gia đình tôi phải chạy vội vào nhà của một người dân sống gần đó, trốn trong một hầm trú đạn đào khá sâu, bên trên là một bộ ván gỗ dày, của nhà người đàn bà tốt bụng cho chúng tôi trú ẩn trong lúc hiểm nguy. Gia đình tôi chui kín trong bóng tối mập mờ. Mùi đất ẩm và mốc meo làm mọi người ngộp thở, chỉ muốn chui lên ra khỏi miệng hầm, rồi có thế nào cũng được...Có tiếng thầm thì của bà Ngoại và các em tôi lâm râm cầu kinh, Ba tôi vẫn ngồi yên, tay ôm cứng những đứa em khác của tôi và tôi thì phải vỗ về thằng em út đừng khóc, sẽ gây nguy hiểm cho cả gia đình. Những tiếng nổ lốp bốp bổng thật gần, "Suỵt! suỵt! Họ đã về tới nơi rồi... Thôi vậy là chết hết cho xong"- giọng bà chủ nhà đầy tuyệt vọng. Nhưng may sao, họ lại rẽ hướng khác. Bà chủ là người ra khỏi hầm trú ẩn đầu tiên và gia đình tôi lục đục kéo theo lên.
Con đường Phạm Thế Hiển sau trận đánh lại đông nghẹt người và xe cộ. Dân chúng vừa hiếu kỳ, vừa lo sợ, đứng hai bên đường nhìn hiện tượng quái đản lạ lùng đang xảy ra trên mặt lộ. Ba tôi và cả gia đình đứng chen lẫn trong đám đông mà bây giờ không biết ai bạn ai thù vì có những tiếng reo hò từ đám người cộng sản nằm vùng rồi những người khác đi chung quanh cổ võ, hô hào cho đám lính việt cộng đang tiến dần vào thành phố. Tôi học được từ Ba Má tôi từ thuở nhỏ về chế độ tàn ác và dã man của cộng sản, và ý thức được cảnh nước mất nhà tan và sự sụp đổ cuối cùng đã đến. Kể từ giờ phút này, như Ba tôi đã dạy, càng đi xa đám người cộng sản Việt càng tốt. Tôi nghe thấm thía những cơn đau, niềm tủi nhục và lòng thù hận. Đau cho vận nước không may, tủi cho dân tộc Việt Nam nhiều hoạn nạn, và hận cho thời thế và cuộc chiến tương tàn kết thúc một quá bất ngờ và đầy phi lý.
Việt cộng từ đồng ruộng phía sau Ty Cảnh Sát Quận Tám ùa vào thành phố. Một đoàn người lượm thượm đi xiêu vẹo giữa mặt lộ. Những khuôn mặt thiếu máu, xanh xao vàng vọt như mắc bệnh ngã nước và sốt rét rừng dài hạn. Những làn da tái mét và bệnh hoạn, gắn liền với những tháng năm không tiếp xúc với ánh mặt trời. Rồi những cái nón cối đội lụp xụp trên khuôn mặt đầy xương xẩu, đầy nếp nhăn khắc khổ, có những bộ đội già nua bên cạnh những khuôn mặt non choẹt làm chứng tích cho cuộc chiến dài đăng đẳng bao thế hệ. Họ mặc đủ loại quần áo, nhưng phần lớn là quần đùi ngắn, màu xanh "nylon"bạc màu, chân buộc chặt trong đôi dép râu. Vũ khí quấn ngang bụng hoặc vát trên vai- rỉ sét như bị ngâm nước lâu đời và thô sơ đến thảm hại. Họ như những xác chết biết đi và đang là những kẻ chiến thắng. Ba tôi thở dài buồn bã. Có lẽ trong trí nhớ của Ba tôi, hình ảnh của những buổi diễn hành, những ngày Lễ Kỷ Niệm Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ngày 19 tháng 6 hiện về như những điều tương phản vô cực. Những binh chủng hùng hậu, những màu quân phục oai hùng, những khuôn mặt sáng ngời niềm tin và sức phấn đấu, những khuôn mặt đẹp cường tráng của những đứa con yêu của Mẹ Việt Nam... tưởng như chẳng còn niềm tổn thương nào lớn hơn cho những người chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Gia đình chúng tôi đứng xa đám bụi và đoàn người hiếu kỳ vây đón theo sau những toán quân việt cộng đi sâu vào thành phố, và Ba tôi cho mọi người lên xe, tiếp tục đi về hướng biển.
Đồn cảnh sát ở đầu cầu Chữ Y đã đổi chủ. Chiếc xe của gia đình tôi qua cầu trong sự thấp thỏm của một thứ định mệnh treo mành. Ba tôi lái xe thật chậm, dò xét. Trước mặt chúng tôi là một trạm kiểm soát vừa mới lập ra vội vàng từ những những cán bộ cộng sản chính quy và một số dân nằm vùng, ngổn ngang người cùng xe cộ. Không còn một bóng dáng quân cảnh hay cảnh sát khám xét đám hành khách trên đường đi về lục tỉnh và những vùng phụ cận, như những lần Sài Gòn biến động, mà bây giờ chỉ còn thấy lố nhố những cái nón cối và những bộ đồ xanh. Ba tôi quay lại, dặn dò "Các con phải ngoan, can đảm và bình tĩnh, lúc nào cũng phải cầu nguyện cho tai qua nạn khỏi. Mọi chuyện để Ba đối phó, tụi con chỉ trả lời không biết gì hoặc im lặng".
Không ai còn nhận ra gia đình chúng tôi nữa. Ba tôi thì mặc một bộ đồ nhàu nát, bạc màu, những đứa con trai thì mặc đồng phục đi học, những đứa con gái thì mặc áo ba bà nhạt màu của Ngoại tôi, tóc cột sơ sài, rũ rượi. Tất cả đều lơ láo, bối rối và sợ hãi mới sau một buổi sáng chứng kiến những cảnh đau thương của những người chạy nạn. Chúng tôi ai cũng mệt mỏi với đôi môi khép chặt trong khuôn mặt đã thất thần. Tôi nhận diện được một vài người quen của gia đình, một vài người bạn cùng đại học, nhưng tất cả chỉ biết nhìn nhau phân vân và xa lạ.
Trong đám người chạy loạn sáng nay, gia đình tôi có vẻ nheo nhóc và cơ cực nhất. Cái dáng dẻ bần cùng và dân giả mà Ba tôi đã chuẩn bị cho mọi người đã thành công. "Các người đi đâu? Làm gì?"-"Chúng tôi muốn trở lại miền Tây, về quê sinh sống với ruộng vườn". Giọng tên cán bộ còn gắt gỏng kỳ kèo nhiều thứ, cuối cùng gia đình tôi được cho đi khỏi trạm kiểm soát. Tôi nghe thương yêu và kính phục Ba tôi nhiều hơn. Người và kinh nghiệm của những tháng năm lửa đạn, những ngày nhỏ sống trong vùng "xôi đậu", giặc giã điêu linh, và bao nhiêu lần chạy loạn, đã dạy cho Ba tôi cẩn thận hơn, khôn ngoan hơn, để sống còn, để đủ sức bảo vệ và che chở cho những đứa con còn nhỏ dại.
Tôi ngồi im trong lòng ghế như cơ thể tôi không còn cử động được. Tôi vẫn lâm râm đọc kinh cầu nguyện và "thề thốt" nhiều hơn với Thượng Đế, như một người mộ đạo, rằng khi đến được bến bờ tự do, tôi sẽ chọn Chúa hay Phật làm nơi thờ phượng, cho linh hồn tôi còn có một nơi chốn bình yên và suốt đời mang ơn Thượng Đế. Tôi liên tưởng đến xấp giấy tờ và những hồ sơ quan trọng đến cuộc đời công chức và những cơ sở kinh doanh của Ba tôi, mấy lá thư từ giã họ hàng không kịp gởi đi, những kỷ niệm và tàn tích cũ của một đời sống sung túc yên vui mang theo làm kỷ vật, những đồ dùng cần thiết cho chuyến vượt biển như địa bàn, ống dòm, bản đồ và những của cải khác, nằm ngoan ngoãn dưới lòng nệm ghế mà Ba tôi đã cẩn thận mang theo. Tất cả bây giờ là những chứng cớ tai hại và nguy hiểm, nếu chẳng may gia đình tôi bị khám xét. Họ chỉ cần lật lớp lò xo ra là cả gia đình tôi sẽ phải chịu những hình phạt ghê gớm nhất dành cho những kẻ "phản động" và dám"chống chế độ", dù là chế độ chưa được một ngày tuổi, đang hình thành như chất độc đang thấm dần vào cơ thể miền Nam Tự Do, ngày nào khỏe mạnh, bây giờ lây lất trong cơn hấp hối.
Xe băng qua nhiều ngã đường. Tôi nhìn cảnh vật hai bên đường với sự ngậm ngùi của một lần cuối còn nhìn thấy quê hương trong tầm mắt, để mai này hành trang tôi mang theo còn đầy ắp "những nẻo đường Việt Nam", để nỗi xót xa và niềm tiếc nuối hôm nay còn sống mãi trong trong tâm hồn tôi.
Mấy đứa em nhỏ của tôi đang say ngủ, bởi suốt đêm qua chúng nó đã ngủ dật dờ, giật mình từng hồi theo những tiếng nổ từ phía phi trường Tân Sơn Nhất. Những đứa lớn hơn đã biết đăm chiêu suy nghĩ. Không biết chúng nó nghĩ gì trong khối óc ngây thơ và non dại đó về những nỗi chia lìa và mất mát hôm nay. Đứa nào cũng nhìn nhau im lặng. Mới chưa đầy một ngày mà chị em tôi đã tập nói chuyện với nhau bằng mắt như đã quen. Từ ngày má tôi qua đời, Ngoại và Ba tôi là cột trụ, là ngọn đèn và là bóng mát yêu thương soi lòng mỗi đứa. Lần đi sinh tử này, trong sự im lặng của chết chóc và hiểm nguy, mọi người đã giữ gìn và đùm bọc lấy nhau, bởi một mở miệng hay một lỡ lời, tất cả đều liên lụy, đều thiệt mạng. Tôi thương những đứa em tôi, quá ngây thơ và trong sáng để phải sớm chịu cảnh gian khổ, loạn ly. Càng thương các em tôi bao nhiêu, tôi càng thấm thía hiểu tại sao Ba tôi cứ phải vất vả và lam lũ cả đời lo cho tương lai của những đứa con.
Làng mạc hai bên đường im lìm, chìm đắm trong màu nắng xế chiều ảm đạm, tôi tưởng như làng mạc cũng đang để tang như lòng vạn người miền Nam hôm nay. Mặt đường trải đá xanh đầy ổ gà loang lở, vắng hoe. Quốc lộ nằm phơi buồn trong sự già nua và tàn phá của thời gian và cuộc chiến. Cơn mưa nào vẫn còn để lại những vũng nước đọng, vàng màu bụi đất. Đoạn đường về Gò Công ngày bình thường đã buồn và vắng vẻ, bây giờ càng vắng lặng hơn. Xe Ba tôi phải dừng lại rất nhiều lần. Có những chặng đường bị chận ngang bằng thân cây chuối, lá xanh dập nát, nhát chém còn rỉ nhựa tươi ngang chân gốc. Vài tên việt cộng ngơ ngác cầm súng đứng giữ. Tôi tự hỏi, từ đây cho đến Gò Công chúng tôi còn phải gặp bao nhiêu trạm kiểm soát như thế này nữa? Liệu gia đình tôi có thoát khỏi an toàn hay sẽ bị đuổi lại, hoặc bất hạnh hơn, bị lạc đạn mà chết. Ba tôi đăm chiêu hơn, lo lắng hơn. Thỉnh thoảng tôi nhìn Ba tôi như muốn hỏi han, an ủi. Sự tuyệt vọng lại đến. Trong ý nghĩ của mọi người, đường cùng là chết chung với nhau.
Lính việt cộng liên lạc với nhau từng trạm qua máy truyền tin sơ sài. Những món đồ có giá trị trên người ba tôi từ từ biến mất. Từ cặp viết "Parker", đồng hồ "Omega", cho đến cặp kiếng mát. Nhìn những người lính việt cộng chính quy mân mê những món quà của "ngụy" rồi mở đường cho gia đình tôi đi, tôi vừa mừng vừa tủi, quê hương mình còn nghèo, sau hơn ba mươi năm chiến chinh, thiếu thốn mọi điều. Trong hiểm nghèo và tai biến, tôi nhận thức được rõ hơn về số phận bé nhỏ như hạt bụi của con người. Và gia đình tôi giờ đây, là những hạt bụi tí teo trong một sa mạc đầy gió...
Gần đến Cần Đước, tôi thấy đủ loại xe và người, tạp nhạp, hỗn độn, đứng chờ ở hai bên đường, xe chở hàng, xe đò, xe du lịch, xe gắn máy và từng đoàn người tụ năm tụ bảy như mắc cửi, di động trong cơn nắng vẫn còn gay gắt của buổi xế chiều. Xe gia đình tôi cũng "nhập cuộc". Có mấy tên việt cộng mặt "búng ra sữa" chửi đổng "Sư cha chúng nó, bọn ngụy ngoan cố. Mẹ! giờ này mà vẫn còn đánh nhau." Mọi người ngột ngạt, khó chịu, tức tưởi đứng im nghe không một phản ứng. Có lẽ trong thâm tâm của mọi người, ai cũng thấy mình hèn đi dưới sự đè nén và chịu đựng bất đắc dĩ của "kẻ ngụy", tay không, trước mắt những tên dốt nát và thô bạo đang cầm súng.
Những tiếng nổ vang dội từ xa. Từng cuộn khói bốc lên từ một đám lửa cháy ngút một góc trời. Tôi cứng đơ ngồi khóc. Mấy đứa em tôi cũng khóc rưng rức. Chỉ có thằng út vẫn thở đều trong cánh tay của bà Ngoại tôi. Mai này, nếu có ngày gia đình tôi được sống trên một vùng đất tự do nào đó, cách xa quê hương, tôi sẽ phải kể lại từng chi tiết của cuộc hành trình gai góc này, để những đứa em tôi nhớ mãi không phai một khúc quanh cuộc đời và lịch sử đất nước đã ảnh hưởng đến tận cùng cuộc đời của những người dân đã từng sống trên đất nước đó. Tôi muốn sau này các em tôi lớn lên, không một ai có thể quên được cội nguồn và vì sao mình phải ra đi, xa lìa nơi chôn nhao cắt rốn. Tôi muốn các em còn ý thức được trọng trách của mình, là phải làm một cái gì đó để đóng góp cho quê hương, cho quê hương không còn bóng dáng kinh hoàng của những người cộng sản mà chúng nó đang nhìn thấy hôm nay. Tôi nhìn khuôn mặt bình yên của thằng em út mà ước rằng giá mình cũng được ngủ say như thế, dù một khoảnh khắc, cho thần kinh bớt mỏi mệt, cho giấc ngủ được bình yên trong vòng tay yêu thương của Ba và của Bà - đó là nơi chốn thiên đường rất thật, đơn sơ và mật ngọt.
Bốn giờ chiều, Cần Đước và Cần Giuộc vẫn còn cầm cự, đánh nhau với việt cộng. Hình như lệnh đầu hàng vô điều kiện của ông Minh chỉ làm họ thêm hăng tiết, quyết tử thủ cho đến cùng. Họ là những người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa mà suốt đời chúng tôi yêu kính, ghi ơn. Càng đi sâu vào thị xã, phố xá hai bên đường càng hiu quạnh. Những cuộn kẽm gai vẫn còn rào chung quanh đồn lính. Lá cờ vàng ba sọc đỏ vẫn tung bay. Trường học xác xơ. Vũ khí rải rác vung vãi đầy trước những hiên nhà, trên những chiếc xe jeep và những chiếc xe nhà binh không mui. Những người lính VNCH, một số đã thay đồ dân sự, một số vẫn còn mặc nguyên binh phục. Trên một bãi tập, nhiều toán lính ngồi bó gối, chịu trận. Trong số đó, có người đang nguyền rủa tất cả, có người bực tức chửi đám đông chạy loạn, đang đeo cứng vào thành và trên mui chiếc xe đò hối hả chạy ra hướng biển. Không ai còn đủ thời giờ để hỏi nhau chuyện gì đang xảy ra. Những con mắt thất thần, những khuôn mặt đầy tuyệt vọng, ngơ ngác. Mạnh ai nấy chạy, mạnh ai nấy lo thân.
Tôi giúp Ba tôi rút xăng ra từ một chiếc xe nhà binh bỏ trống, không người, và mua thêm xăng dọc đường vì bình xăng xe đã cạn. Trụ sở vẫn còn treo cờ; điều này giúp trấn an Ba tôi và gia đình. Và như thế, Ba tôi chạy nhanh ra hướng biển, chúng tôi đã gần tới, nhưng vẫn chưa biết đến khi nào. Thời gian thật vô cùng cấp bách.
Dòng sông rộng, nước vẫn xuôi chảy. Đã mấy hôm chẳng ai được qua sông vì công binh không làm việc dưới phà. Nhưng hôm nay họ mở cầu, bắt phà cho dân đi qua, như hành động nghĩa hiệp cuối cùng. Qua phà, mọi người nhìn nhau lặng lẽ, không ai buồn nhắc đến vận nước. Mặt sông gợn sóng, sóng rẽ dưới chân cầu như vô tình chia cắt dòng đời cũ mới hai nơi. Tôi nhìn dòng sông không đủ rộng cho biệt mù tầm mắt thấy, vậy đó mà vĩnh viễn cách ngăn. Đường đi không có lối trở lại, không biết có một ngày về.
Năm giờ chiều ở Gò Công, gia đình tôi tới địa điểm khởi hành cho chuyến vượt biển như một phép lạ. Buổi chiều ở Vàm Láng âm u xám. Khu phố chợ nhốn nháo người. Lính Nhảy Dù và lính Biệt Động Quân đầy khắp. Tôi không dám nhìn thẳng vào mắt họ, nhìn những nỗi ẩn uất và bất bình của những người đánh giặc ngày đêm, hy sinh mạng sống của mình trong lửa đạn, cho cuộc chiến với đoạn kết quá phi lý này. Ý niệm về gia đình, những người thân yêu, những người bạn đồng đội và sự chấm dứt ấm ức của thế cuộc chắc làm họ thêm chua xót, thêm bất mãn, khi nhìn đám người thành phố đổ ra biển để thoát thân. Tôi lấn vào bên trong cửa tiệm thuốc Tây của người bạn của bạn Ba tôi, tránh các tia nhìn soi mói của dân địa phương.
Khi Ba tôi và những người bạn của Ba tôi đang tính toán ván bài cuối cùng cho chuyến vượt biển thì cùng lúc ấy hai chiếc công xa từ trong quận đổ ra. Những quan quân cao cấp, những khuôn mặt buồn bực trầm ngâm cùng đoàn tùy tùng hối hả chạy về hướng bờ sông đổ ra biển. Gia đình tôi nhập vào nhóm người chạy loạn đó, níu kéo nhau lên chiếc ghe nhỏ chòng chành như sắp chìm dưới sức nặng quá mức của người, đồ vật và vũ khí.
Khi chiếc ghe nhỏ cập vào chiếc thuyền lớn hơn, mấy người lính giúp bồng bế đám em tôi lên trước hết, kế đến là đàn bà và tuần tự tất cả mọi người. Ông chủ thuyền đòi trở lại bến để mua thêm dầu dự trữ, nhưng tiếng nói của ông đã bị cuốn vào sự xao động khủng khiếp của những tiếng động khác. Con thuyền hốt hoảng nhổ neo khi tiếng đạn nổ lách tách từ phía khu chợ quận lớn dần. Trong mắt tôi, hình ảnh cuối cùng trên đất liền là những xác người tung lên cao theo sức tàn phá của tiếng nổ. Có nhiều tiếng la hét và một rừng người muộn màng quờ quạng đổ ra sông.
Con thuyền lướt nhanh như bị ma đuổi. Bóng tối dần bao phủ. Trên thuyền, vị sĩ quan cao cấp nhất đang chỉ huy, như khi điều động cuộc hành quân chưa chấm dứt. Mọi người chia nhau xuống đáy thuyền bắt đầu tát nước vì đáy thuyền đã bị lủng và nước sông cứ tiếp tục tràn vào. Mấy đứa em trai lớn của tôi được Ba tôi bắt "phải tình nguyện", nhập vào nhóm những người lính cùng chia phiên nhau tát nước suốt đêm.
Khi những tiếng bom nổ và những lằn đạn bay nhỏ dần rồi im bật, mọi người trên thuyền bắt đầu nghĩ đến cái bụng đói meo và cổ khô rang vì thiếu nước suốt hôm nay. Dưới sự chỉ huy tài tình và đầy nhân ái của vị sĩ quan cao cấp mà tôi không hề biết tên và cấp bậc, mọi người đều góp chung nước và thức ăn lại cùng một khối rồi phân phát nhau ăn chút đỉnh lót lòng cho qua cơn đói, ăn từ từ còn để dành lại cho ngày mai hay thêm một ngày nào khác nữa, vì đoạn đường trước mặt còn quá dài và gần như vô định.
Tôi không còn nhớ mình đã ngủ thiếp đi từ lúc nào trong cái góc nhỏ ở đầu thuyền. Cơn mộng dữ vẫn như còn nấn ná. Trong giấc ngủ, tôi đã thấy từng toàn lính việt cộng với súng ống chạy đuổi rượt theo tôi, tôi cấm đầu chạy, chạy hụt hơi và vấp té nhào trên mặt đất. Tôi choàng tỉnh, mấy đứa em nhỏ của tôi nằm la liệt bên cạnh, tôi dang tay ôm cứng lấy thằng em út như sợ mất. Tôi tạ ơn trời cho một chặng sống còn. Chúng tôi đã ra được ngoài cửa biển. Biển bao la mở rộng trong bóng tối bao trùm. Tôi thấy hàng chục chiếc thuyền lớn nhỏ khác nhau cùng đốt đèn trong đêm tối đi tìm tự do. Ba tôi ngồi một mình ở đầu thuyền, đăm chiêu nhìn vào khoảng không trước mặt.
… Mùi nước biển mằn mặn ngày hôm đó đã hằn sâu trong ký ức của tôi với lời nguyện với trời đất rằng tôi sẽ hết lòng giúp người, giúp đời để có thể phần nào đáp lại sự hy sinh của bao người lính đã bảo vệ cho miền Nam, cho gia đình tôi đến giờ phút cuối cùng.